Chào mừng các bạn đến với website

Hình thành bản đồ công nghệ

  • 2017.06.01

“Theo kế hoạch, tới năm 2020 sẽ cơ bản hình thành hệ thống bản đồ công nghệ các ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng của đất nước” - Tiến sỹ Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Khái niệm bản đồ công nghệ đã xuất hiện trên thế giới từ nhiều năm trước, nhưng ở Việt Nam mới tiếp cận vấn đề này. Xin ông cho biết lý do cần xây dựng bản đồ công nghệ?

         Bản đồ công nghệ là bộ tài liệu cung cấp rất nhiều thông tin liên quan đến thị trường, công nghệ và sản phẩm. Mối liên quan giữa công nghệ, sản phẩm và thị trường không thể tách rời nên một công nghệ sẽ cho biết được có thể sản xuất ra những sản phẩm nào và sản phẩm đó chiếm lĩnh được thị trường nào...; cho ta biết các thông tin liên quan đến công nghệ trong một ngành, lĩnh vực và công nghệ đó đang sở hữu ở đơn vị nào, doanh nghiệp nào… Với vai trò mang tính chất định hướng, dẫn dắt các nhà đầu tư vào công nghệ và sản phẩm cho phù hợp, thì vai trò của bản đồ công nghệ hết sức quan trọng, cho chúng ta biết về công nghệ cần đầu tư, tối ưu hóa để quá trình đầu tư công nghệ được giảm thiểu về giá thành, tránh đầu tư công nghệ lạc hậu, giúp lợi nhuận tăng lên. Tới nay, chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng xong toàn bộ phương pháp và quy trình xây dựng một bản đồ công nghệ.


         Thưa ông, lộ trình xây dựng bản đồ công nghệ ở Việt Nam đã được tiến hành ra sao và quá trình này có mất nhiều thời gian?

 Việc triển khai xây dựng bản đồ công nghệ ở Việt Nam được tiến hành từ năm 2005. Theo kế hoạch, năm 2016, Việt Nam hoàn tất việc xây dựng bản đồ công nghệ ngành chọn tạo giống lúa, ngành sản xuất vắc-xin; 2017 - 2018 hoàn thành bản đồ lĩnh vực công nghệ gen, tế bào gốc, ngành sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn; năm 2019, hoàn thành bản đồ công nghệ ngành công nghiệp cơ khí, một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống bản đồ công nghệ các ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng của đất nước. Kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, Hàn Quốc xây dựng bản đồ công nghệ mất 20 năm, Trung Quốc mất 15 năm. Tại Việt Nam, các thống kê về khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp, các khối viện, trường còn yếu nên mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta đã học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước, đi tắt đón đầu một số kết quả nên đã rút ngắn được thời gian xây dựng bản đồ công nghệ.

         Như ông vừa nói, năm nay, chúng ta sẽ hoàn tất việc xây dựng bản đồ công nghệ cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. Việc này sẽ có tác động thế nào tới sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thưa ông?

         Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện tại, việc xây dựng bản đồ công nghệ trong ngành Lúa gạo hết sức quan trọng. Bản đồ cung cấp các thông tin, định hướng các công nghệ trong tương lai mà chúng ta sẽ phải tập trung vào nghiên cứu để cải thiện được năng suất, chất lượng lúa gạo. Do đó, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện toàn bộ các định hướng công nghệ cần phải tập trung nghiên cứu trong thời gian tới. Hiện tại đã có các giống lúa được sản xuất theo định hướng của bản đồ công nghệ, đó là các giống lúa chịu hạn, mặn của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long...

         Xin cảm ơn ông!

An Nhiên (nguồn: theo Quỳnh Nga  http://www.baocongthuong.com.vn)       
 

Copyright 2017 T&Q.ltd All rights Reseved phát triển bởi hcviet.com